Ngày đăng 04/09/2019 | 01:41 AM 

Bồi dưỡng giáo viên cốt cán toàn quốc: Tập trung vào nội dung nào?

(Naem)  

Trao đổi về hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Chương trình ETEP và Dự án RGEP cho biết: Việc triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán sẽ được tiến hành đồng thời trong tháng 9, tháng 10 tới.

"Sau khi bồi dưỡng các báo cáo viên nguồn vào tháng 4/2019, Bộ GD&ĐT đã triển khai bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Hoạt động này đã hoàn thành và hiện đang hoàn thiện nội dung bồi dưỡng online trên mạng". 

Theo kế hoạch, tháng 9 tới sẽ bắt đầu triển khai bồi dưỡng cho cán bộ quản lý (CBQL) cấp sở/phòng và các tổ trưởng tổ chuyên môn; hết tháng 10 sẽ hoàn thành. Việc triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL cấp sở/phòng được triển khai ở 4 khu vực trên toàn quốc; bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn thực hiện ở 7 địa điểm trên toàn quốc; bảo đảm thuận lợi cho các thầy cô đến tham dự. Đồng thời trong tháng 9, 10 cũng triển khai bồi dưỡng cho 4.000 hiệu trưởng và hơn 28.000 thầy cô là giáo viên cốt cán.

                                        PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

GV được nghiên cứu về CTGDPT mới qua tài liệu in, tài liệu sơ đồ hóa

- Tập huấn cho các đối tượng trên sẽ tập trung vào nội dung cụ thể nào, thưa ông? 

Trong năm 2019 sẽ tập trung tập huấn cho các đối tượng một mô-đun về hướng dẫn thực hiện CTGDPT mới. Trong đó, các CBQL, giáo viên phải được nghiên cứu về CTGDPT mới qua các tài liệu in, tài liệu dạng sơ đồ hóa. Đặc biệt, mỗi môn học có một video clip do tổng chủ biên, chủ biên chương trình trình bày theo dạng hỏi đáp, để làm rõ điểm mới của CTGDPT 2018 so với chương trình hiện hành ở các điểm: Mục tiêu và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó; yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; kế hoạch giáo dục; phương pháp và hình thức giáo dục; phương pháp và hình thức đánh giá kết quả giáo dục; yêu cầu về thiết bị giáo dục và điều kiện thực hiện chương trình; định hướng phát triển chương trình.

Ngoài việc tìm hiểu những điểm mới của chương trình, nội dung tập huấn còn tập trung phân tích kế hoạch dạy học một chủ đề minh họa của mỗi chương trình môn học và hoạt động giáo dục theo tiêu chí tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH năm 2014. Cụ thể như sau:

Mục tiêu: Cụ thể hoá “Yêu cầu cần đạt” của chủ đề theo quy định của Chương trình môn học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT; trình bày rõ sau khi học chủ đề này thì học sinh “làm” được gì để tiếp nhận và vận dụng kiến thức, kỹ năng của chủ đề, qua đó thể hiện rõ các “hoạt động học” của học sinh trong bài học góp phần hình thành và phát triển “các biểu hiện cụ thể” của phẩm chất, năng lực có liên quan (đã được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn học).

Thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng: Yêu cầu trình bày cụ thể từng loại thiết bị, học liệu được sử dụng vào việc tổ chức “hoạt động học” cụ thể nào trong bài học.

Tiến trình bài học: Thiết kế các “hoạt động học” phù hợp với nội dung dạy học trong chủ đề để tổ chức cho học sinh thực hiện. Mỗi “hoạt động học” phải bảo đảm rõ về: Mục đích của hoạt động và sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; Nội dung hoạt động và cách thức/phương pháp thực hiện hoạt động gắn với việc sử dụng thiết bị dạy học/học liệu đã chuẩn bị (học sinh phải đọc/nghe/nhìn/làm gì? Sử dụng thiết bị/học liệu như thế nào?).

Phương án tổ chức hoạt động dạy học: Dự kiến những khó khăn của học sinh; các mức độ hoàn thành sản phẩm học tập của học sinh; phương án kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả hoạt động học của học sinh; phương án lựa chọn các sản phẩm học tập của học sinh (nhóm học sinh) để tổ chức cho học sinh báo cáo, thảo luận; nội dung nhận xét, đánh giá, “chốt” về kết quả thực hiện của mỗi “hoạt động học” của học sinh.

Việc tập huấn diễn ra đồng thời

- Với số lượng lớn cán bộ cấp sở/phòng, tổ trường chuyên môn, giáo viên cốt cán, liệu thời gian 2 tháng tập huấn có gấp gáp? 

Việc tập huấn cho các đối tượng nói trên diễn ra đồng thời. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tập huấn là 7 trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý Giáo dục theo từng khu vực; mỗi đơn vị phụ trách một số tỉnh, tức chỉ đảm nhận từ 3 - 4 nghìn học viên trong thời gian khoảng hơn 2 tháng.

Cần nhấn mạnh, Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) chú trọng tới triển khai bồi dưỡng tại chỗ, tức là tại nhà trường. Thầy cô là giáo viên cốt cán được bồi dưỡng ở cấp Trung ương khi đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận; sau đó tham gia hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cũng như hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn liên tục tại địa phương và các nhà trường. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường đi vào nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung CTGDPT mới. 

Các video, tài liệu đã được đưa lên mạng, lúc đó, vai trò tự học của giáo viên rất quan trọng. Còn giáo viên cốt cán đóng vai trò như người hỗ trợ, chủ trì các thảo luận trong tổ chuyên môn, trong trường, trong cụm trường. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn lựa chọn giáo viên cốt cán cũng như tổ chức bồi dưỡng giáo viên. Trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Các địa phương cứ theo đó thực hiện.

- Năm học 2019 - 2020 là năm bản lề chuẩn bị triển khai thực hiện CTGDPT mới. Ông có lưu ý gì với các thầy cô để thực hiện hiệu quả hoạt động tập huấn, bồi dưỡng?

Trong năm học mới, thầy cô một mặt vừa phải dạy chương trình hiện hành, nhưng vẫn phải đồng thời nghiên cứu tìm hiểu chương trình mới; thực hiện CTGDPT hiện hành nhưng theo định hướng chương trình mới.

Về vấn đề này, chúng tôi mong hiệu trưởng các nhà trường cố gắng một mặt nắm vững nội dung và yêu cầu triển khai chương trình mới, sau đó vận dụng vào tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn trong nhà trường; tạo thuận lợi cho giáo viên được quyền chủ động trong thiết kế bài học, tổ chức dạy học theo phương pháp mới. Thực hiện phương pháp mới không tránh khỏi những bỡ ngỡ, bản thân hiệu trưởng cần hiểu thật kĩ về chương trình mới, hiểu kĩ cách tổ chức dạy học. Từ đó, khi tổ chức quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường, dự một giờ của giáo viên sẽ nhìn ở góc cạnh của người quản lý theo xu hướng phát triển.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã rất phát triển, việc quản lý hồ sơ, sổ sách trong nhà trường cần hiệu quả, đúng quy định, bảo đảm gọn nhẹ để giảm áp lực không cần thiết với giáo viên; dành nhiều thời gian cho giáo viên phát triển chuyên môn, thiết kế bài học, thực hiện phương pháp mới…

- Xin cảm ơn ông!


Nguyễn Nhung (http://etep.moet.gov.vn)
Lượt xem: 92  |  Chia sẻ: 0