Ngày đăng 17/05/2021 | 09:25 AM 

Những tín hiệu tích cực từ Chương trình GDPT mới

(Naem) Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới) được triển khai trong năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và chuẩn bị áp dụng cho lớp 2, lớp 6 trong năm học sắp tới, đã bước đầu nhận được những tín hiệu tích cực.
Thông tin mô tả trong thẻ alt

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thị trấn Đại Ngãi (Sóc Trăng) năm học 2020-2021. Ảnh: Công Chương.

Việc triển khai CTGDPT mới có tác động thế nào đến hệ thống giáo dục cả nước? Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Những tín hiệu tích cực

Thông tin mô tả trong thẻ alt

  GS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: Công Chương.

- Ông đánh giá thế nào việc triển khai CTGDPT mới trong gần một năm học vừa qua?

- Đánh giá tổng quát về hiệu quả hay chất lượng cần đảm bảo có đầy đủ những cứ liệu khách quan và khoa học nhất là yêu cầu về nghiên cứu định tính và định lượng. Tuy nhiên, bằng các dữ liệu phỏng vấn và quan sát được, nhất là từ các hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và công tác cố vấn triển khai chương trình cho một số Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy những tín hiệu tích cực.

Đầu tiên, đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 được tham gia các khóa tập huấn về chương trình, sách giáo khoa mới khá cơ bản, cuốn chiếu. Tính đến thời điểm này dù diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp nhưng các giáo viên đã làm chủ được chương trình giáo dục, phương pháp và kỹ thuật dạy học; các vấn đề cơ bản của đánh giá trong dạy học và giáo dục. Kết quả trao đổi cho thấy đội ngũ đứng lớp dạy lớp học đầu tiên thực hiện chương trình mới là người có năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tích cực đổi mới sáng tạo khi được học tập và bồi dưỡng đúng nguồn, đúng hướng.

Thứ hai, với sự đầu tư của ngành giáo dục và đào tạo cũng như các tỉnh thành khác nhau cho thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… được nhà trường đã kịp thời bổ sung để đáp ứng yêu cầu của chương trình và đảm bảo thuận lợi cho dạy học 2 buổi/ngày… Việc thay sách cũng là một thách thức nhưng với sự nhận thức tích cực của các tỉnh thành, việc đầu tư này được ưu tiên khá tích cực...

Thứ ba, học sinh lớp một thông qua các dữ liệu phản hồi cho thấy cơ bản đã đọc, viết, tính toán như một năng lực cụ thể; bên cạnh đó, sự tự chủ, tự tin trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô và bạn bè cho thấy các em có những biểu hiện về phẩm chất song song với các biểu hiện về năng lực.

Dẫu biết, đánh giá này cần đảm bảo khách quan hơn nếu có đủ mẫu khảo sát, đủ các dữ liệu của các bên có liên quan, tuy nhiên, CTGDPT mới bước đầu cho thấy đã có những tín hiệu tích cực. Khó khăn và thách thức vẫn còn phía trước nhất là tính toán cho thấy phải đủ 4 năm nữa mới có thể phủ được 5 năm triển khai chương trình (4 năm Tiểu học tính từ lớp 2, 4 năm THCS, 3 năm THPT)

Thông tin mô tả trong thẻ alt

Một buổi tập huấn CTGDPT mới do Trường ĐHSP TPHCM đảm trách.

-Ở góc độ là một nhà giáo, Hiệu trưởng một trường ĐHSP trọng điểm có ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục của 20 tỉnh thành, ông thấy sự khác biệt, sự tiến bộ nào khi áp dụng CTGDPT mới trong bối cảnh hiện tại?

- Thực tế cho thấy điều cần khẳng định là các Sở GD&ĐT và các tỉnh thành rất quan tâm đến đầu tư cho CTGDPT mới, điều này xuất phát từ nhận thức và nhất là trách nhiệm, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, quản lý. Song song đó, với yêu cầu xã hội và tinh thần trách nhiệm của nhà giáo, phụ huynh cho thấy những tiến bộ về sự phối hợp giữa gia đình và trường học; sự nỗ lực của giáo viên về việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, kỹ thuật dạy học hiện đại cho thấy thầy cô đã làm chủ bước đầu tiêu điểm: phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Ngoài ra, có thể khẳng định rằng công tác bồi dưỡng tận gốc, một chiều đã cho thấy những ưu thế của nó. Từng giáo viên cốt cán hay cán bộ quản lý cốt cán cho đến giáo viên đại trà và cán bộ quản lý giáo dục đại trà đều được tập huấn, bồi dưỡng thông qua chương trình bồi dưỡng, giảng viên bồi dưỡng, chuyên gia các nhóm đảm bảo tính nhất quán, khả thi. Với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phương thức bồi dưỡng trực tuyến, ít nhiều đã khắc phục được việc tam sao thất bổn, việc vênh nhau về thời gian, khả năng tập huấn, tinh thần tập huấn và các yêu cầu đánh giá...

Chúng ta cần khẳng định thêm tính tích cực của phương thức bồi dưỡng này khi giáo viên phải cố gắng học tập và được học tập, rèn luyện trong khoảng thời gian cho phép để hoàn thành các yêu cầu cần đạt của từng module bồi dưỡng... Điều làm chúng tôi khá an tâm khi chính những giáo viên đã được tập huấn vẫn tích cực trao đổi, vẫn tiếp tục liên hệ với các giảng viên và trường sư phạm để được bồi dưỡng nâng cao, chia sẻ và phản hồi cho thấy tín hiệu này đáng trân quý.

- Tuy nhiên hiện tại vẫn còn một bộ phận chưa thật sự hiểu đúng, hiểu đủ về CTGDPT mới. Ông thấy thế nào? 

- Thực tế cho thấy cái mới hay điều mới sẽ cần có thời gian để thấm và ngấm. Việc một số nhóm chưa hiểu đúng, đủ về CTGDPT mới là điều có thể nhận thấy bởi sự đầu tư về thời gian, sự so sánh, sự cầu toàn hay khát vọng lý tưởng hoặc tư duy tròn trịa giả định. Đơn cử như việc bồi dưỡng giáo viên trên hệ thống trực tuyến chắc chắn còn một số hạn chế nhưng nên thừa nhận những ưu điểm của nó.

Hay CTGDPT mới sau ban hành vẫn còn những hạn chế là điều cũng cần ghi nhận nhưng tư duy là một quá trình và chúng ta có thể kiểm tra giữa kỳ và hoàn thiện. Việc phát triển phẩm chất và năng lực trong chương trình vẫn còn thách thức nhưng nếu giáo viên hiểu đúng và trúng sẽ triển khai phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh đúng trọng tâm và có thể giảm tải các áp lực nội dung học tập như đã đề cập trước đây...

Ngay cả với giảng viên, một số đối tượng khác, việc ban hành các văn bản, thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng có thể gặp một số khó khăn nếu chưa vững vàng và sâu sắc đủ khi tiếp cận và nghiên cứu chương trình là điều cũng khó tránh khỏi. Quan trọng là sự cầu thị và nỗ lực để trở nên  toàn diện hơn mới là vấn đề cần quan tâm…

Vai trò của trường sư phạmThông tin mô tả trong thẻ alt

S Huỳnh Văn Sơn (giữa) phát biểu tại một buổi tập huấn CTGDPT mới do Trường ĐHSP TPHCM đảm trách.

-Vậy, Trường ĐHSP TPHCM đóng góp gì cho việc triển khai CTGDPT mới này, thưa ông?

- Trường ĐHSP TPHCM luôn nỗ lực trong suốt hành trình xây dựng, phát triển và triển khai CTGDPT 2018 này từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cụ thể, truyền thông về chương trình đủ để giảng viên và sinh viên hiểu về chương trình và định hướng hành động.

Trường cũng là đơn vị được giao tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý triển khai CTGDPT ở 19 tỉnh thành khu vực phía Nam. Trường cũng là đơn vị được ngành và chương trình ETEP quốc gia giao xây dựng hai khóa bồi dưỡng ứng với hai module rất quan trọng: Phương pháp và kỹ thuật dạy học, giáo dục; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và giáo dục... cho thấy sự tin tưởng của ngành và sự đầu tư của Trường.

Bên cạnh đó, may mắn khi tôi cũng làm cố vấn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho vài tỉnh thành thành, quận huyện: Cần Thơ, TPHCM, Bình Dương... nên những tác động hai chiều mang đến những dữ liệu khá lý thú.

Trường cũng thể hiện vai trò của mình trong các hoạt động khác nhau như: bồi dưỡng cho giảng viên một số trường Đại học có liên hết, có ký hợp tác toàn diện với Trường để phổ biến CTGDPT 2018; Trường thực hiện việc góp ý công khai cho 3 bộ sách giáo khoa của cả nước lớp 2, lớp 6 và nhiều hoạt động khác cho thấy đây là những gì Trường đã tham gia tích cực với ngành và các địa phương khi triển khai CTGDPT 2018.

Sắp tới, Trường sẽ có kế hoạch kết nối và tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ việc triển khai CTGDPT 2018 với các tỉnh thành như một kế hoạch dài hơi. Đó cũng là định hướng phát triển Trường trong lộ trình để khẳng định sứ mạng, tầm nhìn và uy tín của Trường với ngành và các tỉnh thành.

Thông tin mô tả trong thẻ alt

Một buổi học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Tân An, Long An). Ảnh: Công Chương.

- Nhà trường định hướng công tác đào tạo thế nào để có thể đáp ứng về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai?

- Trường ĐHSP TPHCM có những nhiệm vụ nghiên cứu được Chương trình ETEP giao để khảo sát về nhu cầu đào tạo giáo viên và những dữ liệu này rất quan trọng để Trường định hướng phát triển đào tạo và bồi dưỡng. Các ngành đào tạo mới của Trường như: Sư phạm Sử - Địa, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm công nghệ, Giáo dục công dân, Tâm lý học trường học... đã mở và sắp mở là động thái rất quan trọng Trường thực thi một cách quyết liệt.

Hay với ngành Sư phạm tiểu học, Sư phạm tiếng Anh... là các ngành tiềm năng và đáp ứng rất lớn nhu cầu xã hội sẽ được Trường quan tâm và định hướng phát triển đào tạo theo nhu cầu xã hội... bằng các đề án theo định hướng của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học sửa đổi và các văn bản khác có liên quan.

Song song đó, Trường ĐHSP TPHCM với nhiều chuyên gia phát triển chương trình, nhiều giảng viên bắt nhịp với CTGDPT mới, nhà xuất bản có kinh nghiệm thực hiện sách giáo khoa sẽ tiếp tục gắn kết với các Sở Giáo dục và Đào tạo để triển khai công tác phát triển năng lực triển khai chương trình cho giáo viên.

Với các dữ liệu khảo sát, với các luận cứ khoa học và kinh nghiệm thực tiễn cùng với hệ thống eLearning của Trường với các khóa học trực tuyến được đầu tư bài bản như: Nhập môn nghề giáo, Đạo đức nhà giáo, Phát triển chương trình môn học, Phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại và nhiều chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về triển khai CTGDPT mới, Trường ĐHSP TPHCM tin rằng sẽ gắn kết sâu với các Sở, góp phần đồng hành cùng các Sở nâng cao chất lượng đội ngũ

Cũng là một điểm nhấn, sinh viên của Trường sẽ có cơ hội tham gia tập huấn các module dành cho giáo viên sau khi thực tập sư phạm. Đây là lợi thế để sinh viên của Trường sẽ không phải lo lắng hay các đơn vị tuyển dụng mất thời gian tái đào tạo. Đó là những gì Trường đã và đang làm cũng như đầu tư để đảm bảo số lượng và chất lượng cho đội ngũ - tài sản quý giá nhất của tổ chức để góp phần phát triển giáo dục Việt Nam.

Xin cám ơn ông.

Theo GD&TĐ


Theo GD&TĐ
Lượt xem: 2104  |  Chia sẻ: 0