Ngày đăng 13/08/2021 | 10:34 AM 

Sẵn sàng tâm thế triển khai Chương trình mới

(Naem) Đến nay, các địa phương đã hoàn thành chọn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Công tác bồi dưỡng giáo viên cũng đang tăng tốc. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục, nhà trường còn tuyên truyền đến phụ huynh để tạo sự đồng thuận.

Thông tin mô tả trong thẻ alt

Công tác bồi dưỡng giáo viên đang tăng tốc.

Tăng tốc bồi dưỡng giáo viên 

Theo kế hoạch, công tác bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 hoàn thành trước 31/7. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn diễn ra bằng hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Hoạt động này diễn ra thường xuyên, liên tục trong năm học và trong quá trình làm việc, thầy cô phải nỗ lực sắp xếp thời gian để vừa hoàn thành công việc chuyên môn của trường, vừa hoàn tất các mô đun bồi dưỡng.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, học sinh cấp Tiểu học năm học 2021 - 2022, lớp 1 sẽ làm quen với môn tiếng Anh. Đối với học sinh lớp 3, 4, 5, môn học tiếng Anh tiếp tục là môn học bắt buộc. Trong tháng 5/2021, Sở GD&ĐT tổ chức các hoạt động tập huấn với hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên các nội dung mới cần triển khai, thực hiện đối với chương trình SGK mới.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, các đơn vị trường hình thành các đội ngũ kỹ thuật tiếp cận và nắm bắt các vấn đề liên quan đến các nội dung và việc triển khai, thực hiện SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6…

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, năm học 2021 - 2022, tỉnh có 20.237 học sinh lớp 2 và 14.886 học sinh  lớp 6 theo học bộ SGK mới. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành quan tâm về đội ngũ giáo viên, phân công giáo viên dạy các lớp thay sách, chuẩn bị giáo viên học bồi dưỡng nội dung chương trình SGK mới trong năm học; thực hiện các quy trình công bố SGK đến cha mẹ học sinh...

Ông Võ Văn Luyến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre cho biết: Trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm học, các trường tiểu học và THCS tập trung chỉ đạo đội ngũ tiếp tục nghiên cứu thật kỹ Chương trình GDPT năm 2018. Thầy cô giáo thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên, áp dụng các modun đã được bồi dưỡng vào thực tiễn dạy học. Tổ chức củng cố các tổ chuyên môn liên môn khối tự nhiên và xã hội; trao đổi kỹ mạch kiến thức; đề xuất những giải pháp đưa vào dạy học trong năm học; triển khai kế hoạch chuyên môn thực hiện trong năm học; phân công bố trí nhân sự giáo viên giảng dạy đạt hiệu quả…

Chia sẻ về công tác chuẩn bị, thầy Phan Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh (Trà Vinh) cho biết: Trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Trong có 100% cán bộ quản lý, giáo viên được cấp tài khoản và tập huấn theo chương trình ETEP.

Đồng thời 100% giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và được Trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá đạt. Riêng đối với cán bộ quản lý, giáo viên đại trà có gần 100% được bồi dưỡng Chương trình GDPT mới và chương trình môn học...

Thông tin mô tả trong thẻ alt\

Phụ huynh HS tỉnh Tiền Giang trình bày ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến chọn SGK.

Phụ huynh đồng hành

Bên cạnh việc tập huấn đội ngũ triển khai Chương trình mới, ngành Giáo dục và nhà trường còn chú trọng công tác tuyên truyền,đặc biệt là tuyên truyền tới phụ huynh có con lên lớp 2, lớp 6 và vào lớp 1 để tạo sự đồng thuận.

Với quan điểm thận trọng, công khai, cầu thị các ý kiến đóng góp để thực hiện việc chọn SGK đáp ứng được các yêu cầu theo quy định, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh đóng góp về việc chọn SGK cho năm học mới.

Phụ huynh đồng thuận với cách làm, hình thức lựa chọn, nhưng cũng đóng góp các ý kiến về khổ sách được thiết kế rộng; học sinh lớp 1, lớp 2 còn nhỏ, mang đi học rất nặng; giá sách lại cao; sách được chọn theo nội dung, chủ đề nếu trường hợp học sinh di chuyển sang trường khác hoặc tỉnh khác sẽ khó cho học sinh. Ngoài ra, SGK cần được tính các yếu tố liên tục trong quá trình học tập, chứ không chỉ sử dụng trong 1 năm học, như vậy sẽ rất lãng phí...

Chia sẻ những ý kiến băn khoăn này, ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Phụ huynh đừng quá lo lắng, bởi tất cả các bộ SGK đều đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên mỗi bộ sách sẽ có cách thức chuyển tải phù hợp, vì vậy các trường đề xuất chọn lựa phù hợp với các điều kiện thực tế của trường, các quy định của ngành. Các ý kiến đóng góp đều được ghi nhận, trình UBND tỉnh hoặc gửi về Bộ GD&ĐT...

Tại tỉnh Tiền Giang, một trong những điểm nhấn gây chú ý được đông đảo dư luận đồng tình, ủng hộ là ngành Giáo dục tỉnh cùng các trường tổ chức họp phụ huynh rộng rãi khối 1 và 5 để giới thiệu, lấy ý kiến và đề xuất chọn SGK lớp 2 và 6.

Phụ huynh Nguyễn Thị Hạnh, ngụ phường Tân Long, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) chia sẻ: “Được tham gia ngày hội chọn sách, phụ huynh chúng tôi mới biết được những thay đổi lớn trong chương trình học tập của con mình. Thông qua ngày hội chọn sách, phụ huynh cơ bản nắm được chương trình con em mình học để có những điều chỉnh, hướng dẫn học tập cho con một cách kỹ càng hơn”.

Ngày hội chọn SGK đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía phụ huynh tỉnh Tiền Giang. Những ưu điểm cũng như hạn chế từ các bộ SGK đã được thông tin kịp thời và được phụ huynh đón nhận thông qua việc lựa chọn của mình...

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết: Ngày hội chọn sách nhằm giới thiệu rộng rãi đến thầy cô giáo và cha mẹ học sinh hiểu rõ, lựa chọn SGK có chất lượng đảm bảo cho việc dạy và học được tốt, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh...

Việc tổ chức ngày hội chọn sách đã được ngành tính toán, suy nghĩ rất kỹ lưỡng, tất cả với quan điểm lấy dân làm gốc. Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn ngành, sự đồng tình, ủng hộ từ phía nhân dân, tỉnh Tiền Giang hoàn thành tốt việc chọn SGK lớp 2 và 6.




Theo GD&TĐ
Lượt xem: 184  |  Chia sẻ: 0