Hội thảo “Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” với sự tham gia của 100 giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông tại tỉnh Yên Bái diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán theo ông Đặng Văn Huấn bám sát vào tinh thần đổi với chương trình và sách giáo khoa phổ thông 2018, trong đó tập trung vào phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh...
“Mục tiêu cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đó là chuyển từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điều này được thể hiện rất rõ ở Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện Chương trình GDPT mới, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần được bồi dưỡng một cách bài bản, thiết thực”, ông Đặng Văn Huấn nhấn mạnh.
Điểm cầu tại Sở GD-ĐT Yên Bái
Ngay sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên, cán bộ cốt cán đã triển khai hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà trong toàn quốc bồi dưỡng theo hình thức tự học qua Hệ thống LMS kết hợp với sinh hoạt chuyên môn tại trường. Đây là mô hình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.
Hệ thống LMS với nguồn học liệu phong phú, có chất lượng tốt, kết hợp với sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường, thầy cô hoàn toàn chủ động thời gian, có thể học mọi lúc mọi nơi, phù hợp với kế hoạch cá nhân để phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.
TS. Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng cục nhà giáo (Bộ GD-ĐT)
Tuy nhiên, phát biểu tại buổi hội thảo, TS. Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng cục nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho rằng, mỗi thầy cô phải là tấm gương tự học, tự bồi dưỡng. Bất cứ sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nào cũng không hiệu quả bằng các thầy cô tự bồi dưỡng thường xuyên.
“Đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, tất cả các tài liệu bồi dưỡng đều được chia sẻ trên các nền tảng của Internet mang đến sự thuận lợi rất lớn để mỗi giáo viên tự học, tự nghiên cứu”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 phối hợp chặt chẽ với 7 Sở GD&ĐT trong đó có Sở GDĐT Yên Bái đã hoàn thành bồi dưỡng 4 mô -đun cho đội ngũ giáo viên cốt cán và hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng các mô đun rất hiệu quả, thực hiện đúng quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán và đại trà. Hầu hết các thầy cô giáo đại trà ở Yên Bái đã hoàn thành bồi dưỡng những mô-đun cốt lõi theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT để có thể vững tin thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo VOV2