Sau khi tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức, cô Hoàng Thị Tuyến – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pố Lồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang) – chia sẻ, một trong những biện pháp hữu hiệu trong công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng là đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn.
Theo đó, cần xây dựng tổ chuyên môn vững mạnh. Các thành viên trong tổ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. “Ngoài ra, chúng tôi xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt từ cấp tổ chuyên môn đến cấp trường. Đây là những “chân rết” sẵn sàng hỗ trợ các giáo viên khác khi cần” – cô Tuyến bật mí.
Là một trong những cán bộ quản lý cốt cán được tham dự tập huấn của Chương trình ETEP, thầy Lâm Đại Đồng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Phong (Như Xuân, Thanh Hoá) – cho hay: Những gì lĩnh hội được từ khoá tập huấn, thầy đã, đang và sẽ truyền đạt lại cho đồng nghiệp thông qua hoạt động bồi dưỡng đại trà.
Thầy vận dụng phương pháp, hình thức của Chương trình ETEP để hỗ trợ đồng nghiệp và có cải tiến để phù hợp với thực tiễn của địa phương. “Chẳng hạn: Theo Chương trình ETEP, chúng tôi được tập huấn theo công thức 5-3-7; khi về địa phương chúng tôi điều chỉnh tăng số ngày tự học, tự nghiên cứu và số ngày tập huấn trực tiếp lên để các thầy/cô cùng trao đổi, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Quá trình tập huấn trực tiếp được tổ chức dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường. Qua đó, vừa tạo điều kiện để các đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa động viên, khích lệ giáo viên tự học, tự nghiên cứu” - thầy Lâm Đại Đồng cho hay.
Là người trong cuộc, trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng CBQL cốt cán, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục – nhìn nhận: chất lượng là “sự sống còn”; không để số lượng ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng và không chạy theo thành tích. “Chúng tôi luôn quan niệm: “Thực người, thực việc”.
Mục tiêu chính của tập huấn - bồi dưỡng là giúp CBQL CSGGPT có được năng lực quản trị nhà trường, quản trị từng hoạt động cụ thể, tiếp thu kinh nghiệm để giải quyết tình huống quản lý cụ thể trong nhà trường” - PGS.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh.
Để đợt tập huấn, bồi dưỡng đạt chất lượng, hiệu quả, PGS.TS Trần Hữu Hoan – trao đổi, điều quan trọng là thực hiện đúng quy trình, chuyên nghiệp trong tất cả các khâu: Từ chuẩn bị tài liệu, tập huấn cho giảng viên, chuẩn bị tổ chức bồi dưỡng, quá trình tổ chức (đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, thống nhất trong soạn bài giảng, ban tổ chức đợt tập huấn, cán bộ phục vụ lớp học…) cho đến giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sau từng đợt tập huấn, bồi dưỡng và cải tiến cho các lớp trong đợt bồi dưỡng.
“Qua quan sát và đánh giá sơ bộ có thể khẳng định, đợt tập huấn, bồi dưỡng đã tạo ra sự khác biệt, hiệu quả, bổ ích, giúp người học giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục 2018. Với tất cả những gì đã và đang làm, chúng tôi khẳng định: Kết quả đó là thực chất và khách quan” - PGS.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh, đồng thời mong muốn: các sở GD&ĐT cần quan tâm hơn nữa cho công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Cử cán bộ tham gia theo dõi, giám sát việc bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng CBQL đại trà.