Các thầy cô chủ động tự học để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới.
Nếu như trước đây chủ yếu thiên về kiến thức, thì trong chương trình mới, giáo viên cần biết cách biến những kiến thức thành năng lực sử dụng được trong cuộc sống hàng ngày cho học sinh. Năng lực ấy bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, thái độ để tạo thành năng lực, phẩm chất. Trước đây, quá trình học tập chú trọng nhiều vào kết quả thì nay lại chú trọng đến quá trình, như vậy khi mục tiêu giáo dục thay đổi, cách thức giảng dạy của giáo viên cũng cần thay đổi.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, bản thân được học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý từ các chuyên gia cũng như những đồng nghiệp khi tham gia tập huấn. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa tập huấn trực tiếp và tập huấn online cũng góp phần phát huy tinh thần tự học của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.
“Chúng tôi nhận ra rằng, khi tham gia chương trình mới, nếu không tự nâng cao năng lực, tức đang tự đào thải chính mình. Cách tập huấn mới giúp giáo viên tăng cường khả năng tự học, sáng tạo của bản thân”, cô Thúy nói.
Cũng theo Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, hiện nay các tình huống tập huấn chủ yếu là giả định, do đó các giáo viên cần hiểu đây là ví dụ, thay vì áp dụng “cứng” như những bài mẫu khi vào dạy thực tế.
Sau khi học xong 2 mô đun, cô Tại Thị Sim, giáo viên Trường THPT Tây Tiền Hải, Thái Bình đã thấm dần Chương trình GDPT 2018 từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp. “Hiện tôi đang áp dụng vào giảng dạy, sắp tới chuẩn bị cho thao giảng, tôi sẽ áp dụng kĩ thuật mới vào bài dạy. Áp dụng dần dần, chúng tôi sẽ không bỡ ngỡ khi triển khai”.
Thầy Đinh Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng, thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, nếu như trước đây, để tập huấn, các cán bộ và giáo viên phải dành nhiều thời gian học tập trung hàng trăm người, thì nay lại được chủ động hơn về thời gian khi kết hợp trực tiếp và online.
Thầy Tuấn cho biết, ở giai đoạn đầu khi tập huấn mô đun 1, giáo viên cũng như các cán bộ quản lý còn gặp một số khó khăn do chưa quen cách học, đường truyền kém ổn định, nhưng nay đã quen với phương pháp tập huấn, thầy Tuấn cũng như nhiều thầy cô khác trong trường lại rất hào hứng học tập.
Là một cán bộ quản lý, thầy Đinh Mạnh Tuấn cho biết, bản thân biết thêm nhiều cách làm hay trong việc xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ, phát triển nhà trường khi áp dụng chương trình phổ thông mới…
“Nếu như trước đây, các trường chủ yếu chỉ kêu thừa, hay thiếu giáo viên, trên phân công bao nhiêu nhân sự chúng tôi nhận từng ấy, nhưng giờ cần tính toán cân đối ngay các môn trong trường, một số môn đặc thù có thể kiến nghị xin hỗ trợ từ giáo viên cấp 2 xuống hoặc kiến nghị để huyện cân đối giữa các trường. Hay chỉ đơn giản như câu hỏi, làm thế nào để khích lệ động viên giáo viên trong giảng dạy. Câu hỏi có nhiều đáp án, tất cả đều đúng, nhưng chúng tôi cần tìm qua đáp án đúng nhất, quá trình thảo luận, chia sẻ với đồng nghiệp giúp chúng tôi có thêm những câu chuyện, tình huống thực tế để áp dụng vào chính trường mình”, thầy Tuấn chia sẻ.
Giáo viên phải nâng cao tinh thần tự học
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng cho biết, điều quan trọng nhất khi tập huấn cho chương trình mới là giáo viên phải thay đổi tư duy, có tinh thần tự học một cách chủ động nhất.
Quá trình bồi dưỡng giáo viên giúp thầy cô có thêm những kỹ thuật dạy học mới như cách tổ chức học nhóm, các trò chơi, cách quan sát học sinh...
“Trước đây, tham gia tập huấn, nhiều thầy cô có tư tưởng chỉ cần được 5 điểm cho qua, học lấy lệ, nhưng đến nay, mỗi người có 1 tài khoản riêng, có sự giám sát và chấm bài rất gắt gao. Nếu không hoàn thành những yêu cầu đặt ra thì sẽ bị đánh trượt. Do đó, quá trình tập huấn này cũng giúp thầy cô tạo ra thói quen tự học, tìm tòi, nghiên cứu”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Đồng nói.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên cốt cán môn Âm nhạc tại Trường Tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng cho biết, là môn đặc thù trong trường phổ thông, do đó cách tập huấn trực tiếp hiệu quả hơn với môn học này. Qua quá trình tập huấn cùng các giảng viên từ các trường ĐH Sư phạm, thầy Cường chia sẻ bản thân đã thay đổi nhiều về phương pháp giảng dạy, chuẩn bị tốt hơn cho mỗi giờ lên lớp.
“Khi tập huấn, giáo viên được hướng dẫn rất nhiều kỹ năng sư phạm, các phương pháp dạy học mới.Ví dụ, trước đây dù học hát nhạc, nhưng việc nghe âm thanh của học sinh lại rất hạn chế, chủ yếu vận động tại chỗ, còn theo hướng dẫn cách dạy mới, các thầy cô có thể sử dụng các video, các đoạn nhạc, bài hát, trình chiếu và phát để học sinh nghe và làm theo. Hoặc giáo viên có thể tổ chức các trò chơi, các hoạt động nhóm, có các cách để khuấy động tinh thần sôi nổi trong lớp học. Sau khi tập huấn, bản thân tôi đã áp dụng với các lớp học hiện nay và nhận thấy học sinh hứng thú hơn rất nhiều”, thầy Cường cho hay.
Còn theo thầy Trần Vũ Định, giáo viên môn Khoa học tự nhiên Trường THCS Đắk Bu’k So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, việc tập huấn giáo viên là rất cần thiết, giúp trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức cho bản thân để sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc tập huấn cũng giúp giáo viên thoát khỏi những “lối mòn” trong phướng pháp giảng dạy để học thêm những cách làm sáng tạo hơn, giúp học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có thêm những kỹ năng cần thiết, phát triển toàn diện.
“Để dạy học sinh, trước tiên thầy cô cũng cần học và đặc biệt là tự học. Nhưng thực tế, giáo viên phổ thông không có nhiều cơ hội được trao đổi, học hỏi trực tiếp từ giảng viên các Trường ĐH Sư phạm. Quá trình tập huấn giúp chúng tôi có thêm những kỹ thuật dạy học mới như cách tổ chức học nhóm, các trò chơi, cách quan sát học sinh hay cả những phương pháp kiểm tra đánh giá mới”, thầy Định chia sẻ./.