Ngày đăng 17/05/2021 | 09:20 AM 

Phát triển tài liệu bồi dưỡng giáo viên: Bảo đảm đúng quy trình

(Naem) Lần đầu tiên các trường ĐH sư phạm được giao chủ trì xây dựng tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, nâng cao năng lực nghề nghiệp...
Thông tin mô tả trong thẻ alt

inh hoạt chuyên môn tại cụm trường huyện Văn Lâm, Hưng Yên: Thảo luận về Chương trình GDPT mới và dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trước đó, GV đã có 5 ngày tự học trên hệ thống Bồi dưỡng trực tuyến LMS, với sự hỗ trợ của GV cốt cán và giảng viên sư phạm. Ảnh: ETEP

Qua đó đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Bảo đảm tiến độ của Chương trình ETEP

- Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa PGS?

- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận nhiệm vụ biên soạn tài liệu với mô-đun đầu tiên về Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với thế mạnh là cơ sở đào tạo có nhiều giảng viên trực tiếp tham gia phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã huy động được lực lượng lớn các chuyên gia, nhà khoa học biên soạn tài liệu bồi dưỡng mô-đun này.

Các chuyên gia tham gia biên soạn, phát triển tài liệu phải đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác và có chuyên ngành đào tạo phù hợp.

Khi mô-đun này đưa vào bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán đã nhận được  nhiều sự hưởng ứng, đồng thuận, đánh giá cao của các trường phổ thông và giáo viên. Đây là tiền đề, kinh nghiệm để Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp tục phát triển tài liệu mô-đun 2, 3 và mô-đun 5.

- PGS có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc biên soạn, phát triển tài liệu của trường mình?

- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã xây dựng kế hoạch sớm và có sự phân công, phân nhiệm cụ thể để các thành viên trong ban biên soạn sớm triển khai, viết đề cương, tài liệu bám sát quy trình theo hướng dẫn của Ban quản lý Chương trình ETEP. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn lắng nghe, tiếp thu góp ý của chuyên gia Ban quản lý Chương trình ETEP, các trường bạn và Ngân hàng Thế giới để hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng, bảo đảm tiến độ của Chương trình ETEP.

Thông tin mô tả trong thẻ alt

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Phát huy hiệu quả trong và sau tập huấn

- Vậy việc biên soạn tài liệu dựa vào tiêu chí/tiêu chuẩn nào và quy trình các bước ra sao?

- Việc biên soạn những tài liệu bồi dưỡng theo một quy trình chặt chẽ từ xây dựng đề cương, lấy ý kiến các bên liên quan bằng văn bản hay tại hội thảo phát triển tài liệu; tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện tài liệu đúng tiến độ, góp phần bảo đảm tiến độ của Chương trình ETEP.

Với mỗi loại tài liệu, học liệu như tài liệu dạng in, inforgraphic, video và kịch bản bồi dưỡng online trên Hệ thống LMS đều quy định về tính khoa học chuẩn xác, tính thực tiễn, thống nhất về bố cục, cấu trúc, số lượng, chất lượng hình ảnh minh họa, chất lượng âm thanh, phù hợp với tính chất, thời lượng của khóa bồi dưỡng và đối tượng người học.  

Song điều quan trọng là, tài liệu cần được xây dựng đúng quy trình 18 bước theo quy định của Ngân hàng Thế giới, Ban quản lý Chương trình ETEP cũng như chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Tài liệu được trải qua nhiều lần tư vấn góp ý của các bên liên quan gồm cục/vụ thuộc Bộ GD&ĐT, sở/phòng GD&ĐT, chuyên gia phát triển tài liệu trong nước và quốc tế, trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chương trình ETEP, đối tượng thụ hưởng tài liệu và được tổ chức thẩm định và nghiệm thu cấp Bộ. Đáng nói là, tài liệu được biên soạn cho từng đối tượng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Sau khi triển khai bồi dưỡng, tiếp thu ý kiến của giảng viên, học viên, tài liệu tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện.  

Tài liệu các mô-đun bồi dưỡng vừa đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, các định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, vừa phù hợp với thực tế giáo dục phổ thông, bắt nhịp với các xu hướng mới trong giáo dục phổ thông và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ GV & CBQLCSGDPT. 

- Để tài liệu phát huy hiệu quả trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, PGS có kiến nghị gì?

- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được phân công phụ trách bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà của 10 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

Tôi cho rằng, ý tưởng của nhóm biên soạn tài liệu cần phải được truyền đạt chính xác, đầy đủ cho các báo cáo viên tham gia bồi dưỡng trực tiếp và online để việc sử dụng tài liệu trong tập huấn và tự học được hiệu quả nhất. Ngoài ra, nhóm biên soạn tài liệu cũng cần liên tục tiếp thu ý kiến phản hồi của người học sau tập huấn để cải thiện tài liệu, giúp cho tài liệu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người học và yêu cầu của thực tiễn. 

Nhiệm vụ quan trọng của giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán là hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp tại địa phương. Để bồi dưỡng đại trà thực sự có hiệu quả, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của sở/phòng GD&ĐT địa phương với các trường sư phạm; cần sự chủ động, năng động của cán bộ quản lý trong tham mưu lãnh đạo, lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đại trà và nỗ lực, trách nhiệm trong hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp ở địa phương của giáo viên cốt cán. Đặc biệt, cần sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của các cấp lãnh đạo và giám sát, kiểm tra chặt chẽ trong quá trình hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên tự bồi dưỡng.    

- Xin cảm ơn PGS!

Theo GD&TĐ

Theo GD&TĐ
Lượt xem: 624  |  Chia sẻ: 0